Hồn Việt trong tranh gạo
Hồn Việt trong tranh gạo Từ những hạt gạo trắng tinh, bằng bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã làm nên những bức tranh gạo mang đậm tâm hồn Việt với nhiều chủ đề về thiên nhiên, đất nước, con người… Theo một nghệ nhân làm tranh gạo, loại hình tranh gạo mới phát triển gần mười năm trở lại đây. Tuy ra đời khá muộn và phải cạnh tranh với nhiều loại hình tranh nghệ thuật khác nhưng tranh gạo vẫn có vị trí nhất định nhờ sự khác biệt và độc đáo riêng của mình. Nói về cách làm tranh gạo, nghệ nhân ấy chia sẻ: “Làm tranh gạo không khó, nhưng để có được một bức tranh gạo đẹp, có hồn thì ngoài sự tỉ mỉ trong từng công đoạn đòi hỏi người nghệ nhân phải dồn hết đam mê và tình cảm của mình vào bức tranh”. Để có được một bức tranh gạo đẹp, có “hồn” đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tỉ mỉ trong từng công đoạn và dồn hết đam mê, tình cảm của mình vào bức tranh.
Đến thăm xưởng sản xuất tranh gạo của nghệ nhân làm tranh gạo, nơi có gần 10 người đang say mê, tỉ mẩn ghép từng hạt gạo lên khung gỗ mới thấy được hết công sức, tâm huyết và tình cảm mà họ dồn vào mỗi bức tranh. Từ những hạt gạo bé nhỏ, đơn sơ, các nghệ nhân khéo léo kết hợp chúng lại để tạo thành những bức tranh sinh động, mê hoặc lòng người. Hạt gạo dùng để làm tranh phải có kích cỡ thon đều, săn chắc và không bị gãy. Các loại gạo nếp, gạo tẻ đều có thể dùng làm tranh được. Để tạo màu, người ta phải rang gạo thật đều tay, canh ở nhiều mức nhiệt độ khác nhau mới có thể tạo ra được bốn màu chủ đạo: trắng – vàng – nâu – đen. Từ bốn màu chủ đạo này, tùy kinh nghiệm các nghệ nhân có thể biến tấu thành nhiều màu phụ khác như vàng nhạt, vàng sậm, nâu nhạt, nâu đen… và thậm chí có thể lên đến hơn 10 màu. Sau khi đã tạo màu cho gạo, người nghệ nhân sẽ sắp xếp các hạt gạo lên bản vẽ phác thảo trên khung gỗ và kết dính chúng lại bằng keo. Keo dùng để làm tranh gạo gọi là “keo sữa”, có đặc tính kết dính tốt, rất bền, đặc biệt rất mau khô và không để lại màu keo. Cái khó của bức tranh gạo là cách phối màu sao cho hòa hợp, cân đối và mềm mượt. Điều này chỉ có được bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo mà thôi. Tùy vào kích cỡ từng bức tranh mà thời gian hoàn thành khác nhau.
Ví dụ để hoàn thành một bức tranh cỡ lớn khổ 80 x 120cm, các nghệ nhân phải bỏ công sức làm khoảng 6 đến 12 ngày. Tranh gạo làm xong sẽ được đem phơi nắng cho những hạt gạo kết dính chặt hơn và màu sắc bức tranh trở nên bóng bẩy, đẹp hơn và cũng là một cách để bảo quản tranh được lâu hơn. Thông thường, một bức tranh gạo có tuổi thọ khoảng hơn 10 năm. Vì thế, giá một bức tranh gạo cũng không hề thấp. Tranh gạo về thiên nhiên đất nước con người Việt Nam. Tranh gạo có nhiều thể loại như: thiên nhiên, phong cảnh, đất nước, con người, các chủ đề tôn giáo, chân dung...
Chủ đề trong tranh gạo rất phong phú như: thiên nhiên, phong cảnh, đất nước, con người, các chủ đề về tôn giáo, tranh chân dung, tranh thư pháp, tranh trừu tượng, tranh động vật, tranh dân gian… Vì thế nhiều du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam đã chọn mua tranh gạo để làm quà tặng. Bởi tranh gạo không chỉ độc đáo về mặt nguyên liệu mà còn cả ở nội dung thể hiện, đặc biệt là mảng đề tài về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Tranh gạo tuy mộc mạc, giản dị nhưng rất có hồn. Vì thế, tranh gạo treo ở đâu cũng đẹp. Nó làm tôn thêm sự ấm cúng cho không gian nội thất, cũng như thể hiện được tính cách giản dị, dễ mến, dễ gần của gia chủ./.